Nhà đất

Tin tức Bất động sản


Bất động sản Cát Lợi chào bán dự án Mường Thanh Nha Trang

Công ty Bất động sản Cát Lợi (Nha Trang) vừa công bố đợt chào bán dự án căn hộ nghỉ dưỡng hướng biển Mường Thanh Nha Trang với giá chào bán từ 1.2 tỷ/căn

Dự án tọa lạc tại khu vực sôi động của đường Trần Phú (TP Nha Trang), cạnh các hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 5 sao nổi tiếng ở Nha Trang hiện nay như Sheraton, InterContinental, Havana... Đây là sự lựa chọn lý tưởng cho các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài hay các gia đình yêu thích phố biển có nhu cầu sống và làm việc tại Nha Trang.



Dự án hiện đã hoàn thiện xây thô tầng 28 và cam kết bàn giao vào quý II/2015.
Mường Thanh Nha Trang - tòa nhà cao nhất TP. Nha Trang với 46 tầng, là 1 tổ hợp 5 sao bao gồm từ tầng 1 đến tầng 29 là khách sạn 5 sao, từ tầng 30 đến tầng 46 là căn hộ nghỉ dưỡng, rất phù hợp cho khách mua để nghỉ dưỡng hoặc kinh doanh cho thuê lại.

Theo thông tin công bố từ chủ đầu tư, giá bán các căn hộ nghỉ dưỡng tại đây cực kỳ hấp dẫn. Giá chỉ từ 1.2 tỷ bạn đã có thể sở hữu một căn hộ có view nhìn thấy biển. Tiện ích của khu nhà cũng vô cùng hoàn hảo với mức phí quản lý chỉ gần1 USD/m2/tháng.


Nội thất căn hộ mẫu
Công ty Bất động sản Cát Lợi sẽ áp dụng chính sách giãn tiến độ thanh toán với 4 đợt trong 16 tháng. Hiện tại, Cát Lợi có chương trình ưu đãi trong tháng 3, theo đó khi đặt chỗ mua căn hộ Mường Thanh Nha Trang, khách hàng sẽ được tặng lộc đầu xuân là 2 đêm nghỉ dưỡng cao cấp tại khách sạn Novotel Nha Trang.

Dự án Mường Thanh Nha Trang hiện đã hoàn thiện xây thô tầng 28 và cam kết bàn giao vào quý II/2015.

Thông tin chi tiết Quý khách vui lòng liên hệ:
Hotline : 0123456789

Hong Kong: Giá nhà tăng chóng mặt lên tới 20%

Trong khi mức lương của người dân luôn ở mức khiêm tốn thì giá bất động sản tại Hong Kong lại ngày càng lên cao, với mức tăng lên tới 20% khiến cho tình trạng người dân không thể mua được nhà ở ngày càng nghiêm trọng.

Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn Demographia có trụ sở ở Mỹ cho biết năm 2013, Hong Kong tiếp tục đứng đầu thế giới về tình trạng người dân khó mua nhà ở do giá thành tăng cao. Đây là năm thứ tư liên tiếp Hong Kong đứng ở vị trí này. Đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách này lần lượt là các thành phố Vancouver của Canada và Honolulu của Mỹ.
Cuộc khảo sát được tiến hành với 360 thành phố trên thế giới, cho thấy giá một căn hộ chung cư hạng trung ở Hong Kong khoảng hơn 4 triệu HKD, trong khi thu nhập bình quân hộ gia đình hàng năm là 270.000 HKD.
Nhiều người dân tại Hong Kong phải sống trong những căn phòng chật chội. (Nguồn: telegraph.co.uk)
Demographia đánh giá tình trạng không đủ khả năng mua nhà của người dân Hong Kong là "hết sức nghiêm trọng". Theo các chuyên gia bất động sản, mức lương của người dân Hong Kong không thể theo kịp giá nhà ở.
Giá bất động sản ở Hong Kong những năm gần đây tăng rất nhanh, trong khi quỹ đất dành cho các dự án xây nhà mới không tăng, vì vậy giá nhà ở càng tăng cao. Năm 2012, giá bất động sản ở thành phố này đã tăng chóng mặt, với mức tăng lên tới 20%. Các chuyên gia dự đoán vấn đề nhà ở tại Hong Kong vẫn đáng lo ngại trong hai năm tới do nguồn cung căn hộ không tăng cho đến năm 2016.
Mặc dù chính quyền Hong Kong đã thực hiện một loạt biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản nhưng giá nhà ở sẽ chỉ giảm rất ít trong năm nay và việc mua nhà vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều gia đình. Đây là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý của Hong Kong và đặc biệt là người mua nhà tại nước này.

Đất nền ra phố làm ăn

Thị trường địa ốc ở vùng ven và các tỉnh giáp ranh Tp.HCM đang ngày càng trở nên xôm tụ, thu hút những người ít tiền. Nắm bắt được nhu cầu này, các công ty môi giới đã tiếp thị tràn ngập bằng tờ rơi phát ở ngã tư, tờ phướn dán cột điện và nhắn tin qua điện thoại...

Càng xa, càng rẻ
Mới đây nhất là tờ phướn treo trên cột điện ở khắp các tuyến đường quận 5, 6, kể cả quận 1 khá ấn tượng như “đất nền ven sông quận 8, giá 8,5 triệu đồng/m²” hoặc “đất nền 11,6 triệu đồng/m² bao gồm móng”. Thông số đưa ra đủ để kích thích tò mò, bởi “ven sông quận 8”, có lẽ không phải đắt lắm.
Trong vai người mua đất, chúng tôi liên lạc với số điện thoại ghi trên tờ phướn. Miệt mài xuôi theo đường Phạm Thế Hiển, sau hai ba lần chỉ dẫn cuối cùng cũng giáp mặt dự án. Nhân viên môi giới cho biết, đây là phần “đất mới” của khu dân cư Hai Thành (hoặc khu dân cư Phú Lợi), phường 7, quận 8. Khu dân cư cũ đã có người ở, nhà cửa xây dựng tương đối nhiều, gần đó là đường Nguyễn Văn Linh, xe cộ nườm nượp ngược xuôi… Nhìn có vẻ xôm tụ nhưng phần hạ tầng nối với khu dân cư vẫn còn dang dở. “Lúc trước chủ đầu tư đã bán hết, nay làm tiếp khu này, nhưng cả hai vẫn cùng một chủ đầu tư và cùng một dự án”, nhân viên này chia sẻ. Lúc này các thông tin trên hai tờ phướn được giải mã: đều chung một dự án, nếu chưa làm móng giá 8,5 triệu đồng/m²; làm móng xong và có thuế VAT giá 11,6 triệu đồng/m²; còn ven sông chính là dọc rạch Bà Tàng. Hiện tại dự án đang làm hạ tầng, hệ thống cống đã xong, mặt đường đang lu lèn. Nhân viên môi giới cho biết, khoảng tháng 6 xong hạ tầng và giao nền cho khách hàng xây nhà luôn. Lịch thanh toán linh hoạt, đóng 50% nhận nền, còn lại trả góp trong hai năm. Theo thông số trên catalogue, chủ đầu tư chào bán khoảng 250 nền trên tổng số 300 nền. Công bằng mà nói, so với trước đây, dự án này giảm giá khoảng 40%!
Cờ phướn tại dự án đất nền Long An, khu đô thị Nam Long, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
“Khu đô thị Nam Long 660 triệu đồng/nền”, tấm quảng cáo treo trên trụ điện như thách thức người chưa có nhà, hoặc người đang tính đầu tư vào “mặt hàng truyền thống”, hy vọng thị trường ấm lại để kiếm lời. “Đi đường cao tốc, tới Bến Lức, Long An quẹo vào là đúng ngay dự án”, một nhân viên môi giới chỉ dẫn. Khung cảnh thật hoành tráng, ngay đường dẫn vào đường cao tốc hàng trăm tấm pano quảng cáo dự án treo san sát nhau trông thật bắt mắt, chứ không phải treo lẻ tẻ như tại Tp.HCM. Lúc này thông tin về dự án phong phú hơn: “Khu dân cư Nam Long 350 triệu đồng/nền, đất nền, đường nhựa 12m, hạ tầng hoàn thiện”, “Khu dân cư Nam Long, 1,69 tỷ đồng/căn, nhà phố thương mại”...
Nhân viên công ty phác thảo, tên đầy đủ của dự án là khu đô thị Waterpoint An Thạnh gần 400ha do Công ty cổ phần Nam Long làm chủ đầu tư, trải dài theo đường dẫn và cách đường cao tốc chừng 150m, một mặt gần sông Vàm Cỏ Đông. Vị trí đang mở bán là khu nhà phố An Thạnh, tổng cộng 129 căn, đang có hạ tầng hoàn chỉnh. Ngay tại đây cũng có trường học, nhà tái định cư cho cư dân tại chỗ, có chợ búa… trông có vẻ khá xôm tụ. Hiện chủ đầu tư đang mở bán hai loại sản phẩm, nhà phố xây dựng sẵn, một trệt một lầu giá 1,69 tỷ đồng, nền nhà phố giá thấp nhất 4,5 triệu đồng/m². Có lẽ ở nơi “đất rộng người thưa” nên quy hoạch khá thoáng, nền nhà phổ biến 6m x 20m hoặc 6m x 27m. Kế bên, phía sông Vàm Cỏ Đông là khu đô thị chính Waterpoint 381ha, một đoạn rào bằng tôn, chưa có động tĩnh gì. Theo báo cáo tài chính quý 3-2013 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” của dự án này hơn 1.228 tỷ đồng.
Cứ như thế, dự án địa ốc đất nền rao bán càng xa giá càng rẻ, vị trí ít thuận lợi thì rẻ hơn, cá biệt có dự án chỉ bán 98 triệu đồng/nền 90m², vì “vị trí yếu hơn” như ở tỉnh lộ 10, xã Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An.
Làm được, thưởng lớn!
Thị trường đất nền trải dọc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và kể cả Long An. Nói chung ở những nơi có thể đem lại sự kỳ vọng, càng kỳ vọng thì đất nền càng nhiều, giá có thể khá cao, đó là ăn theo đường cao tốc như Tp.HCM - Trung Lương, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoặc thành phố mới Bình Dương, đặc biệt gần sân bay Long Thành.
Yếu tố tạo nên sự sôi động đất nền vùng ven là giá rất rẻ so với Tp.HCM, mua dễ dàng tùy theo túi tiền, không bắt buộc xây nhà, trên hết có thể đầu tư như một món hàng, bởi quan niệm cố hữu lâu nay: “người đẻ chứ đất không đẻ”. Những thị trường này đã hình thành các công ty môi giới chuyên nghiệp “cát cứ một phương”, ví dụ nói đến Bình Dương là nhắc ngay đến Công ty Địa ốc Kim Oanh; sân bay Long Thành là Công ty cổ phần Bất động sản Nam Tiến, khu đô thị mới Nhơn Trạch là Công ty cổ phần Phúc Khang…
Cuối tuần, các chủ đầu tư hay nhà môi giới đều tổ chức xe đưa khách hàng đi tham quan dự án, riêng Công ty cổ phần Bất động sản Nam Tiến mỗi tuần 3 lần. Nếu nói bán đất nền, đáng nể nhất phải kể đến Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh. Những năm khủng hoảng vừa qua, công ty ăn nên làm ra với bộ máy trên 500 nhân viên.

Nguồn cầu nhà trọ cho thuê bình dân bắt đầu bão hòa

Tại khu vực nội đô Hà Nội, khó có thể đếm được đã có bao nhiêu phòng trọ, dãy nhà trọ mới mọc lên trong năm 2013. Và một thực tế bất ngờ là hiện nay đang có rất nhiều khu trọ ế ẩm, không kiếm được khách thuê.

Nhu cầu về chỗ ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM luôn rất cao. Tại Thủ đô, tốc độ phát triển một cách tự phát của những khu trọ, dãy trọ bình dân dành cho học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh được xem là "đáng nể" nhất.

"Trăm hoa đua nở"

So với các tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Tp. Hà Nội luôn đứng "top" về những bất cập liên quan tới quy hoạch (hụt hơi với hạ tầng kỹ thuật, xã hội), quá tải giao thông và an sinh xã hội. Bên cạnh "bài toán" nhà ở cho giới công chức hưởng lương Nhà nước vẫn chưa giải quyết triệt để, đội quân hùng hậu hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, lao động ngoại tỉnh liên tục gia tăng hàng năm, khiến cho cơ quan chức năng Hà Nội luôn đau đầu về chuyện quản lý, phát triển "chất – lượng" BĐS nhà ở tại Thủ đô.

Không thể phủ nhận những thành quả bước đầu từ chương trình Nhà ở Quốc gia, được khởi động vài năm nay. Tuy nhiên, ở góc độ đời sống xã hội, sự góp mặt ngày càng đông của BĐS cho thuê giá rẻ (do cá nhân, hộ gia đình tự tạo lập và kinh doanh) đã giảm tải rất nhiều áp lực cư trú (dù là tạm thời hay lâu dài) tại đô thị đặc biệt.

Đa dạng cả về loại hình, từ khép kín tới chung khu vệ sinh, rộng từ 12-25m2, lợp tôn hay có điều hòa nóng lạnh, giá từ 800.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng… nên dòng sản phẩm đặc thù này rất vừa túi tiền vốn eo hẹp của những đối tượng đi học, lao động bấp bênh ở Hà Nội. Trong khi đó, những quyết sách, kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh Quốc gia lại chưa thể phủ tới. Đâu đó, chỉ lác đác những dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh… Hiếm hoi lắm mới có Đà Nẵng xây dựng và đưa vào hoạt động khu nhà ở giá rẻ cho sinh viên từ năm trước.
Nguy cơ bão hòa nhà trọ bình dân tại nội đô Hà Nội được dự báo không xa trong năm 2014
Hà Nội, một trong hai địa phương tập trung số lượng khổng lồ học sinh, sinh viên, lao động nhập cư lũy tiến hàng năm. Áp lực nhà ở tăng cao, trong khi giới tạo lập BĐS cùng các nhà quản lý vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, nhà trọ bình dân vì thế mà "tha hồ phát triển", thoải mái "phát" giá, thay đổi giá thuê, tiền điện nước… tùy hứng, báo chí dư luận xã hội phản ánh không ngớt, cơ quan quản lý vào cuộc bằng những chế tài "yếu ớt" (chủ nhà phải công khai giá thuê trọ, giá điện nước tại UBND phường, xã).

Kết quả sau cùng vẫn "đâu đóng đấy". Cứ ở đâu có cơ sở đào tạo bậc đại học là ở đó mọc lên các phòng trọ giá rẻ. Xa nội thị như Cổ Nhuế, Nhổn cũng san sát các khu trọ tuềnh toàng, giá 800.000 – 1 triệu/tháng/phòng, gần hơn về khu Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, "bát ngát" phòng trọ cho khách hàng. Một trong những địa điểm tập trung cao điểm tại đây là Dịch Vọng Hậu, Dương Quảng Hàm và Nguyễn Phong Sắc kéo dài, với hàng trăm căn phòng cho thuê (dưới dạng chung cư mini), giá từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng luôn được lấp đầy ngay từ khi… khởi công.

Đây là hiện tượng khá ngạc nhiên đối với dòng sản phẩm BĐS cho thuê tự phát tại Hà Nội. Xưa nay, giới lao động nhập cư và học sinh, sinh viên thường "gõ cửa" những khu trọ bình dân để thỏa mãn nhu cầu cư trú tại Thủ đô (ký túc xá các trường chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ).

Vẫn ế ẩm

Ngay cả khi cơ quan quản lý quyết định chuyển địa điểm một vài trường đại học ra ngoại thành, sức ép nơi ở vẫn rất lớn. Địa bàn có tốc độ gia tăng lượng phòng trọ mạnh nhất là huyện Từ Liêm cũ, Long Biên và Hoàng Mai. Tại Từ Liêm, vô số làng xã đã "lột xác" thành phố xá, người dân bản địa được lên đời nhờ kinh doanh phòng trọ như Phú Đô, Nhân Mỹ, Đình Thôn, Phùng Khoang, Cổ Nhuế, Mễ Trì…

Tuy nhiên, khảo sát nhanh tại điểm "nóng" Từ Liêm cho thấy, rất nhiều khu trọ vắng bóng người thuê. Xuất hiện khắp nơi là các mảnh giấy dán quảng cáo phòng trọ cho thuê giá rẻ. Công trình mới hoàn thành quảng cáo cho thuê đã đành, các khu ở "ổn định" từ vài năm nay cũng đua tranh khách bằng khuyến mãi tiền internet, tiền nước 3 tháng đầu. Ông Lãm, chủ một khu trọ 20 phòng (4 tầng) tại Phú Đô than: "Chẳng hiểu sao từ vài tháng nay khách cứ bỏ đi hết. Giá thuê duy trì ở mức 2 triệu đồng/tháng/phòng 20m2 khép kín, chưa gồm điện nước, nhưng sinh viên lũ lượt kéo đi".

Cùng chung tình cảnh "bỗng nhiên ế phòng", bà Vân, chủ 15 phòng trọ khép kín diện tích 18m2 tại Phùng Khoang nhận định: "Đa phần sinh viên bây giờ đã "khôn" hơn. Họ tìm cách ở ghép tối đa có thể để tiết kiệm chi phí. Những chủ nhà nào e ngại vì sợ hỏng hóc công trình thì không thể giữ khách".

Về góc độ người đi thuê, Minh Tâm, sinh viên Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) chia sẻ: "Thay vì thuê trọ tại các khu nhà ở do người dân tự cơi nới, xây sửa với đủ điều bất cập, em và 3 bạn cùng lớp vừa thuê được một căn phòng tại chung cư Nàng Hương, với giá tương đương nếu chia theo đầu người. Đổi lại, cuộc sống sinh hoạt và học tập rất tiện lợi".

Quả thật, nguồn cung cho thị trường BĐS cho thuê tại Hà Nội đang được tiếp sức bởi rất nhiều các chung cư thương mại ế ẩm tích lũy gần 1 năm nay. Thông tin ngày càng rõ ràng, đa dạng và dễ truy cập, sinh viên nếu khai thác tối đa nguồn cung giá rẻ này, sẽ là "thảm họa" cho các nhà trọ, phòng trọ tự phát trong năm 2014.

BĐS cho thuê ngắn hạn: Một vốn, bốn lời!

Từ nhiều năm nay dân kinh doanh địa ốc rất chuộng loại hình BĐS cho thuê ngắn hạn nhờ lợi thế đầu tư vốn ngắn, thu lợi dài hạn và rủi ro gần như bằng 0.

Thoát khỏi rào cản pháp lý khi Bộ Xây dựng rút đề xuất cấm dùng nhà ở kinh doanh nhà nghỉ vào tháng 8/2013 (trong dự thảo Luật Nhà ở), nhà nghỉ tại Hà Nội đang thực sự "vào mùa".

Dạo quanh một vòng các quận nội thị Hà Nội, dễ dàng nhận ra nhiều "điểm nóng" tập trung rất nhiều nhà nghỉ bình dân. Trước đây, dọc trục đường Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) được xem là "thiên đường" của những "thượng đế" tìm kiếm những căn phòng trọ 10-15m2 nhằm lưu trú vài giờ hoặc vài ngày.

"Không hòa là phát"

Bây giờ, "phố" nhà nghỉ đã được nhân rộng ra các địa điểm khác như Trần Duy Hưng, Kim Giang, Khương Đình, Nguyễn Khánh Toàn, Quan Hoa, Bưởi, Giải Phóng, Trần Phú (Hà Đông), Ba La… Theo đó, nhà nghỉ được phân thành nhiều loại: loại cao 5-7 tầng, trung bình 4 tầng và thấp hơn. Mức giá cho thuê phòng nghỉ tùy thuộc vào vị trí "đắc địa" (gần các tụ điểm vui chơi, hoặc gần các trục lộ giao thông huyết mạch của Thủ đô cũng như mức độ "sang", có thang máy, điều hòa hai chiều,…).

Ông Bình, chủ chuỗi nhà nghỉ A.B (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là hình thức kinh doanh không mới, nhưng hiệu quả luôn rất cao, nếu biết tận dụng ưu thế sẵn có". Cụ thể, đối với những gia chủ sẵn có khu đất diện tích lớn (trên 60m2), việc đầu tư kinh doanh khách sạn mini, nhà nghỉ đã thành công 50%. Không mất chi phí mặt bằng (thuê, mua nhà, đất), chủ nhà chỉ cần đầu tư từ 600 triệu tới dưới 2 tỷ đồng, có thể hoàn thành một nhà nghỉ 3-4 tầng, mỗi tầng 4 phòng khép kín để kinh doanh cho thuê. Việc xin giấy phép kinh doanh cũng dễ dàng và ít tốn kém.

Đồng thời, chủ nhân chỉ cần chú ý tới việc khai báo thủ tục lưu trú với công an phường mỗi ngày là có thể yên tâm kinh doanh.

Về phía các nhà đầu tư BĐS không chuyên, việc "săn" các khu đất diện tích từ 60 –100m2 để xây nhà nghỉ kinh doanh được biết đến từ lâu.
Chứa đựng không ít vấn đề "nhạy cảm" và rủi ro bất chợt; nhà nghỉ, khách sạn mini vẫn là "miền đất hứa" cho dân kinh doanh địa ốc
Trong khi đất thổ cư nội thành chưa bao giờ xuống giá, nhà đầu tư khôn ngoan đang tìm tới những khu vực mới hình thành hạ tầng kỹ thuật, giao thông để triển khai kế hoạch.

Tại đường Kim Giang (Q.Hoàng Mai), "thương hiệu" nhà nghỉ Lan Anh xuất hiện chưa lâu chính là một minh chứng. Từ Nguyễn Trãi sang Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đàm là chuỗi gần 10 nhà nghỉ bình dân. Mỗi cơ sở nhà nghỉ L.A được xây 4-5 tầng, mỗi tầng 4 phòng và luôn đầy ắp khách với giá thuê ngót 300.000 đồng/ngày đêm. Với lợi nhuận tiền triệu tính theo ngày, khả năng thu hồi vốn và sinh lợi từ kinh doanh nhà nghỉ sau 1-2 năm là quá rõ ràng – một cơ hội khó có thể bỏ qua với mỗi dân đầu tư BĐS.

Nhưng cũng không dễ

Với những người đã thành công với mô hình đầu tư BĐS nhà nghỉ bình dân tại Hà Nội, toàn bộ quy trình được tóm lược: chuẩn bị hạ tầng (thuê dài hạn, mua, hoặc tự có trước đó càng tốt), xây dựng, cơi nới nếu cần thiết, xin giấy phép kinh doanh hộ cá thể, xin chứng nhận PCCC và đủ điều kiện an ninh trật tự, đảm bảo việc khai báo lưu trú đầy đủ khách đến, khách rời đi, và cuối cùng là biết "linh hoạt" xử lý tình huống bất ngờ.

Lý thuyết là vậy, nhưng khó khăn luôn xuất hiện trong thực tế kinh doanh. Anh Tài, một nhà đầu tư địa ốc trẻ tuổi đang "vật lộn" với kế hoạch xây dựng, kinh doanh nhà nghỉ tại khu vực Định Công cho biết, anh có 2 lô đất, định xây thành khách sạn mini dạng bình dân, với tổng số 20 phòng.

Tuy nhiên, trước hàng đa số câu hỏi như: cần bao nhiêu người để quản lý khoảng 20 phòng? Quản lý khách thế nào? (làm sao để biết khách vào bao nhiêu người/hoặc nhân viên thông đồng với khách để ăn bớt tiền thuê), khách làm hư hỏng đồ đạc trong phòng xử lý ra sao? Thiết bị trong phòng nên dùng loại nào? (trung cấp hay bình dân), cũng như mức giá theo giờ, theo ngày sao cho hợp lý… người chưa nhiều kinh nghiệm trong nghề hoàn toàn có thể mắc sai lầm và phá sản kế hoạch dài hơi.

Một tình huống "muôn thuở" mà các nhà nghỉ bình dân (hay thậm chí khách sạn 3-4 sao cũng gặp phải) là tình trạng tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, đánh bạc) tìm tới không gian riêng tư mỗi phòng nghỉ. Đương nhiên, mỗi khi xảy chuyện (bị cơ quan công an phát hiện), chủ nhà nghỉ chắc chắn gặp liên đới với mức độ khác nhau.

Theo chia sẻ của ông Quân, chủ cơ sở nhà nghỉ tại Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), mọi sự việc xảy ra trong nhà nghỉ (chứa chấp mại dâm, dùng ma túy, đánh bạc, thậm chí có trường hợp khách đóng cửa quyên sinh), chủ cơ sở đều bị liên đới, với cụm từ "thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả". Mức độ sẽ từ bị phạt hành chính, thu hồi giấy phép, hoặc đóng cửa cơ sở, tùy theo khả năng "xoay xở" của chủ nhân.

Khâu xin giấy phép nhà nghỉ cũng "có chuyện", nếu thiếu hiểu biết thực tế. Kinh doanh nhà nghỉ, thông thường cần giấy phép kinh doanh hộ cá thể. Tuy nhiên, đây là đăng ký ngành nghề kinh doanh "có điều kiện" – tạm hiểu, ngoài giấy đăng ký kinh doanh do UBND quận cấp, phải xin thêm chứng nhận PCCC và chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự. Rất nhiều chủ nhà nghỉ đang áp dụng một công thức: "nhờ" cán bộ công an "giúp" mọi thủ tục, hướng dẫn để yên tâm tập trung vào việc sửa sang nhà cửa, công trình chuẩn bị kinh doanh.

Giá nhà đất tại Canada vẫn quá cao

Tuy giá nhà tại Canada được đánh giá là đang dần đi vào ổn định, nhưng trên thực tế vẫn quá cao so với mức trung bình của các quốc gia phát triển.

Số liệu từ Hiệp hội bất động sản Canada (CREA) cho thấy, giá một căn nhà trung bình tại Canada trong tháng 10/2013 là 391.820 CAD (đô la Canada). Giá nhà tại Canada hiện đang được định giá cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến. Tốc độ tăng giá hằng năm chủ yếu do sự tăng giá trong một số loại hình bất động sản, dẫn đầu là nhà một tầng; tiếp đến là nhà hai tầng, nhà liền kề và các căn hộ. Các khu vực tăng giá hàng đầu là thành phố Calgary và Toronto. Dựa trên giá nhà trung bình so với thu nhập hộ gia đình trung bình, giá nhà tại thành phố Vancouver còn đắt hơn tại New York, trong khi giá nhà tại Toronto chỉ thấp hơn giá nhà tại thành phố đắt đỏ này. Đến hết tháng 10/2013, đã có 402.299 ngôi nhà được bán trên toàn Canada. 
Trước tình hình này các chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ các chính sách vay nợ thận trọng và lợi thế của một nền kinh tế khỏe mạnh, thị trường bất động sản Canada đã tránh khỏi những vấn đề trầm trọng mà nhiều nước trên thế giới hiện vẫn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, việc giá nhà liên tục tăng lên cũng dẫn đến những nghi ngại về nguy cơ bong bóng nhà đất. Trong khi đó, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cũng từng cảnh báo rằng xu hướng tăng giá nhà và nợ hộ gia đình khá cao tại Canada khiến nước này dễ bị tổn thương trước một cơn sốc giảm đòn bẩy lớn về tài chính.
Theo ông Krugman, những gì đang diễn ra tại thị trường nhà đất Canada có thể là một phép thử cho những nguyên nhân đang gây ra suy thoái sâu sắc và phục hồi chậm chạp - lý do khiến Mỹ phải vật lộn quá lâu để có thể thoát khỏi suy thoái. Mức nợ hộ gia đình và giá nhà vẫn tiếp tục tăng. Giá nhà tại Canada đang cao hơn nhiều so với giá nhà tại Mỹ, trong khi mức nợ của các hộ gia đình Canada gần bằng mức nợ của các hộ gia đình Mỹ ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Hiệp hội Chuyên gia công nhận thế chấp Canada cho rằng, năm nay và năm 2015, tăng trưởng tín dụng thế chấp của nước này tăng lần lượt khoảng 3,25% và 3% so với mức tăng trung bình 8,6% trong thập kỷ qua. Điều này đồng nghĩa với tổng số tiền nợ thế chấp nhà ở của người dân Canada tính đến thời điểm cuối năm 2015 sẽ vào khoảng 1.290 tỷ USD. 
Mặc dù nhiều nhà quan sát quốc tế đang cảnh báo về một bong bóng nhà đất tại Canada, nhưng hầu hết các nhà kinh tế Canada đều cho rằng thị trường này sẽ không sụp đổ. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Canada mới đây cũng nhấn mạnh rằng họ không thấy khả năng xảy ra nguy cơ này. David Rosenberg, người nổi tiếng vì dự báo đúng cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, cho rằng nền tảng của thị trường nhà đất Canada đã trở nên tích cực sau nhiều tháng suy giảm và lợi nhuận của các ngân hàng Canada vẫn tăng. Thậm chí thị trường nhà đất của Canada trong năm nay sẽ gặp ít khó khăn hơn so với nhiều quốc gia khác do Chính phủ nước này đã có những biện pháp can thiệp phù hợp.
Tuy nhiên, những cảnh báo về sự thổi phồng giá cả trên thị trường địa ốc cũng đòi hỏi Ottawa phải có những biện pháp linh hoạt nhằm kiềm chế sự đẩy giá theo chiều hướng tiêu cực. Điều đó sẽ tránh cho xứ sở Lá phong đi vào vết xe đổ mà người bạn láng giềng Mỹ đã trải qua hồi năm 2008.

Đất nền sẽ hút khách trong năm 2014?

Phân khúc đất nền vốn khá trầm lắng đã được khơi một luồng sinh khí mới với việc cho phép doanh nghiệp được phân lô bán nền trở lại và người dân có thể tự xây dựng nhà ở từ đầu tháng 1/2014. Dự báo phân khúc này sẽ có những biến chuyển khả quan trong năm mới khi giá bán ngày càng giảm, thu hút sự quan tâm trở lại của người mua.

Giá lặng lẽ giảm

Không rầm rộ giảm giá như các dự án chung cư cao cấp, từ vài tháng trở lại đây phân khúc đất nền tại Hà Nội đã có những biến chuyển theo hướng ngày càng có lợi cho người mua, đặc biệt những tháng cận Tết, giá bán được các chủ đầu tư rao đã thấp hơn trước đến 20-30%.

Có thể kể đến dự án An Sào (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) của CTCP Lũng Lô 5 với giá bán chỉ 20 triệu đồng/m2. Mức giá tương tự cũng có thể thấy tại dự án Đại Thanh của chủ đầu tư Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu. Dự án biệt thự nhà vườn tại khu đô thị Đặng Xá II, Gia Lâm, với đầy đủ cơ sở hạ tầng cũng chỉ chào bán với mức giá được đánh giá khá vừa túi tiền: 18,6 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT và tiền sử dụng đất).

Dự án Nam An Khánh của chủ đầu tư Sudico cũng đã từng gây ngạc nhiên khi mở bán nhà liền kề với mức giá khá hấp dẫn chỉ từ 17,8-21,5 triệu đồng/m2. Mới đây nhất, một dự án có vị trí khá đắc địa ngay mặt đường Minh Khai, kề cận khu đô thị Times City cũng dự kiến sẽ mở bán sau Tết, với giá bán khoảng 60 triệu đồng/m2 - mức giá được xem là khá khiêm tốn nếu đem đối chiếu với vị trí tọa lạc.

Cùng với biệt thự, đất nền từng được mệnh danh là phân khúc khá kén chọn trên thị trường BĐS, bởi giá bán bao giờ cũng cao vượt trội so với các căn hộ chung cư. Tuy nhiên, dù là phân khúc hút khách, thị trường kém sôi động cùng với những khó khăn về vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể giữ giá lâu hơn nữa, đặc biệt ngay sau khi Thông tư 20 cho phép được phân lô bán nền trở lại có hiệu lực từ đầu tháng 1-2014.

Một chủ đầu tư phải hạ giá đất nền xuống đến 50% so với thời điểm mở bán, đã thừa nhận giảm giá đất nền là tình thế cực chẳng đã, nhưng trong bối cảnh các chung cư cao cấp không ai ngó ngàng, đây là một trong những phương cách để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp.

Tín hiệu vui

Tính toán của những người am hiểu thị trường BĐS cho thấy đất nền đang ngày càng tiệm cận mức có lợi để mua. Bởi lẽ với nhiều dự án, mức giá để sở hữu một diện tích đất có sổ đỏ chỉ vào khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng, ngang bằng với diện tích nhà chung cư.

Một khu quy hoạch đất nền tại quận 2, Tp.HCM. Ảnh: Long Thanh


Trong khi đó, về phương diện đầu tư, đất nền giữ giá tốt hơn so với các căn hộ chung cư. Theo ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, cùng với các căn hộ có giá bán trung bình, đất nền giá rẻ thu hút người mua vì đáp ứng được nhu cầu của đa số khách hàng. Ngoài việc xây cất nhà ở, người mua có thể để dành đầu tư một cách lâu dài mà không lo mất giá.

Trên thực tế, dù mới rộ lên vài tháng trước Tết nhưng việc đất nền tại Hà Nội giảm giá, hút khách không phải là chuyển biến xa lạ trên thị trường BĐS. Câu chuyện này đã diễn ra từ 2 năm trước ở phía Nam với sự sôi động của thị trường đất nền các quận vùng ven TPHCM như quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè và những tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Thậm chí một số chủ đầu tư phía Nam đã Bắc tiến và thu được những tín hiệu khả quan từ người mua phía Bắc. Bên cạnh đó, việc giá bán ngày càng hấp dẫn đã kích thích nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Chưa kể những tín hiệu khả quan về nguồn vốn ngoại và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng khiến thị trường trở nên lạc quan hơn.

Theo các chuyên gia BĐS, việc đất nền thu hút được sự chú ý của người dân là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi đất nền có sổ đỏ luôn là phân khúc hấp dẫn người có nhu cầu về nhà ở và giới đầu tư từ trước đến nay. Sau một thời gian dài mất thanh khoản trầm trọng vì có quy định cấm, việc cho phép phân lô bán nền trở lại cũng giống như “mở khóa”, sẽ hút dòng vốn lớn quay trở lại thị trường.

Bên cạnh đó, quy định cho phép người dân được tự xây nhà ở cũng sẽ tạo nên sức hút từ những người có nhu cầu mua thực. Theo đó, những lô đất có diện tích nhỏ, nằm trong khu vực có hạ tầng tốt sẽ thu hút được người mua trong năm 2014. Ngoài những nghi ngại về những khu đô thị kém đẹp mắt bởi việc xây dựng tự phát, đây có thể được xem là một tín hiệu vui cho thị trường BĐS trong năm mới.

Tiêu điểm tuần qua

Lời khuyên

Hỏi - Ðáp


TƯ VẤN NỘI - NGOẠI THẤT

Tư vấn nội - ngoại thất từ chuyên gia
share123.vn
Dữ liệu đang được cập nhật

NHÀ MÔI GIỚI TIÊU BIỂU

Nguyễn Ngọc Hà
0903696093
Chuyên môi giới và nhận ký gửi Bất Động Sản tại TP.HCM
Nguyễn Thị Dung
0977208969
Chuyên môi giới nhận ký gửi BĐS trong thành phố Hồ Chí Minh. Nhận xây dựng sửa chữa nhà.
Nguyễn Sĩ Dũng
0913424608
Chuyên môi giới BDS biệt thự nghỉ dưỡng, BDS dự án tại Đà Nẵng
Nguyễn Văn Trường
0946818168
Chuyên MG, Nhận Ký Gửi BĐS tại Tân Bình -Gò Vấp - Q12
Nguyễn Văn Tuấn
0917679767
Môi giới BĐS tại Nhà Bè – TP.HCM. Tư vấn tận tình, nhanh chóng, thuận tiện.
Xem tất cả

Mua bán và cho thuê nhà đất trên share123.vn
share123.vn có hơn 1.000.000 tin cho thuê và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Chúng tôi liệt kê danh sách nhiều thông tin nhà đất nhất phục vụ mọi nhu cầu, từ phòng trọ tới biệt thự cao cấp. Bạn là nhà đầu tư hay gia đình cần nhà để ở? share123.vn đều có thể giúp bạn. Tìm tin bán nhà đất hoặc cho thuê nhà đất mới nhất bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm hoặc các đường link ngay trên trang chủ.
 
Floating Image X